Để bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, việc đầu tư tu bổ tôn tạo di tích trong những năm qua đã nhận được sự quan tâm to lớn của Nhà nước và toàn xã hội. Trong tổng số hơn 3 nghìn di tích xếp hạng quốc gia đã quá nửa được Nhà nước và nhân dân đầu tư tu bổ bảo tồn tôn tạo. Những di tích xếp hạng cấp tỉnh cũng được quan tâm không kém. Tuy nhiên mức độ khoa học của bảo tồn di sản đạt được ở nhiều cấp độ khác nhau. Dư luận khen nhiều, nhưng bức xúc, thậm chí lên án, đòi dừng ngay lại không phải là không có. Nhưng rõ ràng là nơi nào có các đơn vị chuyên ngành tham gia thì chất lượng bảo tồn cao hơn, nơi nào có sự quản lý chuyên ngành sâu hơn thì chất lượng cao hơn, cũng rõ ràng là không có tu bổ thì biết bao di tích của tổ tiên đã không còn nữa. Mấy nghìn di tích đã hồi sinh, vậy thành công là chủ yếu.
Năm 2009 có lẽ là một trong những đỉnh điểm của cuộc tranh luận bảo tồn và phát triển, tu bổ và tôn tạo muôn thửa ấy. Để rồi, bước vào năm 2010 di tích sẽ được hưởng những định chế phù hợp hơn, khoa học và nhân văn hơn của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật DSVH và những văn bản hướng dẫn thu hành luật.
Gần đây, Báo Nhân dân có đăng bài “Tu bổ di tích: Thực trạng và đòi hỏi” của Cục trưởng DSVH Nguyễn Thế Hùng. Tác giả tổng kết đánh giá cao những kết quả đạt đựơc đồng thời còn để mở nhiều đòi hỏi. Tu bổ di tích là việc của các thế hệ nối tiếp nhau, là việc của muôn đời. Mạch nguồn văn hóa của dân tộc luôn giao lưu, tiếp biến để trường tồn. Mục tiêu phát triển của dân tộc yêu cầu mục tiêu tu bổ bảo tồn di tích không chỉ để bảo tồn mà còn là để phát huy giá trị cho hôm nay và cho cả mai sau. Bảo tồn di tích cần cả da thịt, hồn cốt và gien văn hóa, nhưng coi trọng cái nào hơn khi không thể vẹn tròn sẽ còn nhiều ý kiến khác nhau. Thực tế cơ sở môi trường nhiệt đới, vật liệu hữu cơ và những nhu cầu mới, chắc chắn chúng ta không thể bảo tồn nguyên trạng theo nghĩa chính xác của từ này. Người Việt chúng ta tồn tại và phát triển với tư cách quốc gia, dân tộc ở ngã ba đường của các nền văn minh chính là nhờ biết bảo tồn phát triển chứ không nhờ bảo tồn cứng nhắc. Di tích Việt tồn tại đến chúng ta cũng nhờ con đường ấy. Có lẽ nào giữ gìn bản sắc văn hóa không phải là giữ gìn có chọn lọc bản sắc ngay trong công tác tu bổ bảo tồn di tích của tiền nhân?
Từ năm 2010 Luật sửa đổi bổ sung sẽ mở rộng hơn, nâng cao hơn những đòi hỏi với các nhà quản lý và thực hiện. Hơn 40.000 di tích được kiểm kê sẽ được quản lý khi tu bổ như với di tích xếp hạng. Đội ngũ quản lý với các quy định hiện hành về hồ sơ thủ tục có quản được không và có buộc người lo cho di sản phải ‘xé rào” không? Theo chúng tôi cần đơn giản hóa thủ tục hành chính và phân cấp nhiều hơn cho đơn vị hành chính trực thuộc trung ương. Có những lời giải có thể tìm được ở nước ngoài, có những lời giải tìm được ở tổ tiên và trách nhiệm giải thuộc về những người quản lý, trong đó người quản lý bảo tồn di sản phải ở vào vị trí trung tâm.
Từ trước đến nay, mỗi khi có một dự án tu bổ di tích nào đó bị đem ra luận bàn kết tội, người ta thường tìm nguyên nhân chủ yếu ở người tu bổ. Rốt cuộc người quản lý, người tư vấn, hệ thống quy định hiện hành mỗi anh không tránh được trách nhiệm chịu một tý, còn trách nhiệm chủ yếu vẫn dồn lên vai người thi công tu bổ. Trong khi đó, đáng lẽ ra trách nhiệm đầu tiên phải là chủ đầu tư. Thế rồi, tất cả lại nêu kiến nghị Nhà nước cần chăm lo đầu tư cho đào tạo. Chúng tôi nghĩ rằng thế chưa thật khách quan. Nhà nước không phải là nơi để dồn lên mọi yếu kém của mọi người. Bảo tồn di tích là khoa học đa ngành, nó bao gồm cả kiến trúc, xây dựng, mỹ thuật, lich sử, khảo cổ, hóa sinh… và chính trị xã hội. Nhân lực tham gia khi ổn định sẽ là bao nhiêu? Trên thế giới này có những nước nào có trường đào tạo từ công nhân tới chuyên gia trên đại học về tu bổ di tích? Ở những nước có nhiều di tích hơn ta, chúng tôi thấy số lượng người và tổ chức chuyên ngành cũng không nhiều lắm. Hơn thế nữa bản chất tu bổ bảo tồn di tích là văn hóa truyền thống. Bàn tay người thợ làng nghề và công nghệ cơ bản là truyền thống. Chỉ mục tiêu, phương án, giải pháp, quyết định về khoa học, quản lý và điều hành là thuộc về hiện đại. Cho nên, giải pháp đào tạo chủ yếu vẫn phải là đào tạo trong thực tiễn, tự thân nghiên cứu và bồi dưỡng có chất lượng cao hơn của cơ quan chuyên ngành cho cả những người quản lý và người thực hiện. Những ai, những tổ chức nào tự luyện rèn đủ trình độ rồi mới được xem xét và cấp chứng chỉ. Đó lại là công việc của cơ quan quản lý Nhà nước hoặc Hiệp hội nghề nghiệp theo pháp luật. Sau đó, xin hãy từ tốn, bài bản và cận trọng hơn trong thực hiện. Xin hãy ít nghĩ đến “Nhanh, nhiều, tốt, rẻ” của ngày chưa xa, để cho từng nét vẽ, từng nhát đục, từng hành vi quản lý và quyết định đều tuân thủ pháp luật, quy trình, đủ tầm nhận thức và lòng trân trọng khi can thiệp vào di sản của tổ tiên.
Kể từ khi có chương trình mục tiêu quốc gia đến nay, chúng tôi cho rằng đất nước đã cơ bản hoàn thành giai đoạn đòi hỏi tu bổ theo bề rộng. Phải chăng Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật DSVH sẽ đáp ứng bước đầu của giai đoạn bảo tồn và phát huy DSVH một cách bền vững, giai đoạn phát triển theo chiều sâu. Công ty CP Tu bổ di tích và Thiết bị văn hóa trung ương cùng với một số cơ quan đơn vị khác, chúng tôi sẽ là một thành tố trong lực lượng tham gia tích cực nhất vào giai đoạn bảo tồn bền vững, giai đoạn coi trọng hơn các yếu tố gốc cùng tính chân xác và gien văn hóa của tổ tiên.
Chúng tôi cho rằng, qua 5 năm thành lập, rất nhiều người có tâm huyết, sản nghiệp, năng lực và trách nhiệm đã tự nguyện đứng vào Hội di sản văn hóa Việt Nam. Bên thềm Đại hội toàn quốc lần thứ II hội DSVH Việt Nam, xin mạn phép trình bày vài suy nghĩ về yêu cầu tu bổ bảo tồn di sản với những người đồng tâm đồng chí và đồng nghiệp.
Th.KTS Đoàn Bá Cử - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty
|